Tiếng Anh của sinh viên kém vì chỉ học đối phó các kỳ thi

Vấn đề này được các chuyên gia giáo dục chia sẻ tại hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức ngày 1/12.

Trong tham luận, PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn và Ths Lê Tín Nghị, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chỉ ra những hạn chế trong đào tạo năng lực ngoại ngữ tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM. Theo đó, “hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chủ yếu theo truyền thống, tức là chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ cho các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Mặc dù đã có Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 nhưng đến nay kết quả mang lại của đề án này chưa cao, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chính là số giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng giáo viên dạy ngoại ngữ”.

 

Một lớp học tiếng Anh tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Một lớp học tiếng Anh tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Bên cạnh đó, tại các trường ĐH hiện nay vẫn thiếu môi trường học tập chuyên nghiệp để sinh viên (SV) có thể cọ xát, trao dồi ngoại ngữ.

“Việc học ngoại ngữ cũng như tiếng Anh chủ yếu diễn ra ở lớp học, người học không có cơ hội sử dụng, ngoại ngữ giao tiếp, lớp học ngoại ngữ vẫn còn chiếm số lượng lớn người học. Ngoài ra, tiếng Việt vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Việc áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến như mô hình lớp học đảo ngược vẫn còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi và ít được chú tâm, dẫn đến việc giảng dạy tiếng Anh không kích thích được tính chủ động tích cực của người học”, theo Ths Lê Tín Nghị.

Mặt khác, các trường CĐ-ĐH cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho SV khi tốt nghiệp, tuy nhiên các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS... dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện các kỹ năng cho SV.

Ths Ngô Thị Ngọc Hạnh, giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ, mặc dù SV hiện nay có sự tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên so với mặt bằng SV các nước lân cận thì các em vẫn còn nhiều thiệt thòi. SV chúng ta vẫn chưa có môi trường thật sự chuyên nghiệp để cọ xát, phần lớn lại học nhiều với giáo viên Việt Nam, thời lượng học với giáo viên nước ngoài còn ít. Điều này khiến SV thiếu tự tin khi trình bày bằng tiếng Anh.

Các chuyên gia và giảng viên trình bày tại Hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 1/12 vừa qua
Các chuyên gia và giảng viên trình bày tại Hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 1/12 vừa qua

Lí giải thực trạng này, bà Hạnh cho rằng, hầu hết các SV hiện nay chỉ quan tâm đến việc làm thế nào qua được những kỳ thi. Với mục tiêu đơn giản vậy nên SV hầu hết tập trung vào cách học ngữ pháp và bỏ qua những kỹ năng nghe nói, trình bày. Cách thi hiện nay chủ yếu là thi online trắc nghiệm trên máy tính dẫn đến tình trạng vẫn đang gò SV vào việc chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng khô khan, coi trọng kỹ năng đọc - viết.

Bà Hạnh đề xuất các trường ĐH nên tuyển thêm giảng viên bản ngữ để hỗ trợ SV rèn luyện các kỹ năng phản xạ tốt. Bên cạnh đó, lớp học môn tiếng Anh chuyên ngữ phải tách nhỏ với sĩ số tầm 35 SV/lớp để tạo tương tác tốt hơn.

PGS.TS Phạm Phú Phi Hổ, Giám đốc điều hành trường ĐH Văn Hiến cũng chỉ ra rằng nếu cứ theo quan điểm học ngoại ngữ của ngày xưa chú trọng nhiều vào văn phạm, từ vựng thì SV khó có khả năng nói lưu loát được. Theo ông, các trường ĐH cần phải tạo môi trường tốt cho SV. Phần nhiều các giảng viên quá chú trọng đến các phương pháp truyền thống mà không tạo cho SV các hoạt động trong lớp, thực hành ngôn ngữ. Trong khi đó, SV lại sợ môn Ngoại ngữ và chỉ cố gắng học cho xong dù bản thân môn này không yêu cầu sự thông minh, tài năng của người học. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách của nhà trường đến phương pháp dạy của giảng viên và tâm lý của người học.

Ths Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đề xuất: “Vấn đề dạy và học tiếng Anh tại các trường ĐH, CĐ cần phải thay đổi. Chúng ta không hướng đến các chứng chỉ mà hướng đến cái cụ thể nhất đó là làm sao để SV có khả năng giao tiếp tốt khi ra trường. Tính lưu loát mà SV cần đạt được. Có thể SV không cần bằng cấp nhưng cần có môi trường tốt để học tập. Và trên cơ sở đó công tác đánh giá của các trường cần nhấn mạnh vào kỹ năng nghe - nói thay vì tập trung vào kỹ năng đọc - viết như hiện nay. Nếu làm được như vậy thì các trường sẽ xây dựng được môi trường học tiếng Anh tự nhiên nhất, người học cũng thấy đây là ngôn ngữ gần gũi tạo điều kiện tốt nhất để làm việc sau này”.

Theo dantri.com.vn

 

Chia sẻ