Đi tìm thần tượng

Thần tượng nhập ngoại?
Trong một hội thảo về âm nhạc dân tộc cuối tháng 10-2012 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên chia sẻ, những lần ông đi tổng duyệt các chương trình ca nhạc của Hàn Quốc, Nhật Bản sang biểu diễn tại Việt Nam, ông đều bị tắc đường không thể vào vì các fan hâm mộ tập trung đứng đợi thần tượng. Trong khi đó, kho tàng âm nhạc dân tộc lại dường như bị giới trẻ bỏ quên.

 

Câu chuyện của vị Thứ trưởng nọ hóa ra là rất bình thường hiện nay. Một sự bình thường… bất bình thường. Làn sóng toàn cầu hóa ít ra là trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện đã làm cho thế giới như nhỏ lại, các quốc gia trở nên gần nhau hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí. Trong lĩnh vực ca nhạc, nhất là dòng nhạc Pop, các nhóm nhạc Hàn Quốc (một ít nhóm Nhật Bản) thời gian qua đã hút được rất nhiều fan hâm mộ Việt Nam- chủ yếu là giới trẻ đô thị. Con đường xâm nhập văn hóa rất tinh vi và bền bỉ, khiến người ta thay đổi suy nghĩ, cách sống lúc nào không biết. Mở màn là những bộ phim “đời thường”, phim dã sử được dựng với các góc quay đẹp, diễn viên đẹp và mốt, trang phục thời thượng… đã khiến giới trẻ lao đao vì thần tượng đến từ bên ngoài. Họ mơ đến Kim nọ Jun kia cũng là điều dễ hiểu. Từ lĩnh vực này chuyển sang lĩnh vực khác, từ ảo thành thật, các Kim và Jun xuất hiện trên đường phố của ta ngày một nhiều, với những bộ trang phục xứ người, mái tóc xứ người, cách nói xứ người, kể cả cách yêu cũng nhập ngoại.

 

Giá trị đích thực được thay thế bằng giá trị khác do những cơn sóng sùng ngoại tạo ra. Họ đâu biết rằng, những thần tượng kia cũng chỉ là sự thương mại hóa các sản phẩm văn hóa đạt đến độ tinh vi. Nếu không nhìn ra được cốt lõi của vấn đề thì sẽ bị nó cuốn đi.

 

Những năm kháng chiến, cũng là “thần tượng nhập ngoại” đấy nhưng lớp trẻ say mê Paven Corsagin- một thanh niên Nga có số phận nghiệt ngã nhưng không gục ngã. Paven sống khắc khổ với bản thân nhưng hết lòng vì mọi người với một trái tim nhân hậu. Paven trưởng thành trong lửa đỏ và nước lạnh, được trui rèn trở thành một nhân cách vĩ đại, tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh bản thân cho những lý tưởng sống cao cả. Thần tượng Paven từ nước Nga đến Việt Nam do đó đã được chấp nhận. Paven và anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi có những điểm giống nhau cơ bản: họ dám dấn thân, ngẩng cao đầu trước gian khó kể cả cái chết; họ hi sinh thân mình, nhẹ nhàng từ bỏ cuộc sống riêng để hòa chung với số phận đất nước.

 

Sau này, khi hai cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm được công bố, người ta càng thấy rõ hơn tính cách thanh niên của một thời đại: thời đại lớp lớp những người trẻ tuổi sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình cho Tổ quốc.

 

Tiếc thay, những tấm gương cao cả ấy hôm nay như thể bị lu mờ trước những “thần tượng” mới, với những thang giá trị mới đang thay thế những giá trị lẽ ra phải là hằng số bất biến.

 

Quay lại chuyện công nghệ giải trí với tính thương mại hóa cao độ và tinh vi, những “ông bầu” của ca sĩ, người mẫu… đã tạo ra sự lung linh huyền ảo cho “gà” của mình, rồi khéo léo áp đặt nó vào suy nghĩ của lớp trẻ. Hầu như ca sĩ nào cũng có câu lạc bộ fan hâm mộ của mình. Kể cả truyền hình thì cũng có hẳn một chương trình hát với thần tượng, cuốn vào đó không biết bao nhiêu người trẻ. Một phát ngôn, một bộ quần áo mới, một kiểu tóc mới, một chiếc khăn quàng… của thần tượng lập tức được fan hâm mộ tung hô. Đáng buồn nữa là không ít ca sĩ, người mẫu cố tình ăn mặc hở hang, “lộ hàng” rồi lên mạng… xin lỗi người hâm mộ, cốt chỉ là tạo ra scandal thu hút dư luận.

 

Đánh tráo khái niệm, ai đó đã nói như vậy. Cách nói đó có thể hơi nặng, nhưng thay giá trị chân chính bằng giá trị vật chất hời hợt để làm lệch hướng xã hội thì đúng là khái niệm giá trị, khái niệm thần tượng đã bị thay đổi.

Xây dựng thần tượng
Dĩ nhiên, những điều kể trên không phải là tất cả. Một mạch ngầm chân thực vẫn chảy chỉ có điều phải khơi thông dòng chảy cho nó trở nên mãnh liệt- đó mới là vấn đề cốt lõi.

 

Trở lại với những trang nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm – rất nhiều bạn trẻ đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn. Họ đã tìm được ở những con người bình thường kia một sự cao cả vĩ đại. Đó là những nhân cách cao thượng trong một cuộc đời bình thường. Họ cũng có thể học theo được, làm theo được. Không phải là học theo mốt này mốt kia, mà là học theo cách sống vì một lý tưởng cao đẹp, lý tưởng vì Tổ quốc.

 

Trong những ngày đất nước nhớ lại trận chiến không cân sức trên biển của những chiến sĩ hải quân giữ đảo Gạc Ma, Len Đao trong quần đảo Trường Sa 25 năm trước, nhiều bạn trẻ đã nói về “vòng tròn bất tử” trên biển của 64 chiến sĩ hy sinh giữ đảo với tất cả sự kính phục. Trong mỗi trái tim trẻ trung tràn trề bầu máu nóng, người trẻ vẫn ấp ủ lý tưởng sống cao đẹp. Nhưng họ cũng phải đối diện với những vấn đề thường ngày, đó là chuyện công ăn việc làm, chuyện tình yêu- tình dục, chuyện nhận chân thang giá trị đang biến động, và họ cũng ngơ ngác, mất niềm tin khi mà nạn tiêu cực trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội vẫn lộng hành.

 

Vì thế, phải khơi nguồn cho những điều tốt đẹp, thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương của lý tưởng sống cao đẹp. Muốn thế phải xây dựng thần tượng chân chính, Khi không có thần tượng theo đúng nghĩa thì những “thần tượng giả” sẽ thế chân. Đó là điều cần phải làm ngay, cho dù muộn thì cũng phải làm.

Những trang nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm đã làm nhiều bạn trẻ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn. Họ nhận ra sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc. Đó là nhân cách cao thượng trong một cuộc đời bình thường.

Chia sẻ