Các ứng viên đăng ký ngành Khoa học Trái đất có thể được xem một bức tranh có hình một viên đá và được yêu cầu mô tả viên đá đó trông như thế nào.
Các ứng viên muốn theo học chuyên ngành âm nhạc có thể được yêu cầu cho biết những cách nghe nhạc khác nhau mà họ từng trải nghiệm.
Trong khi đó, các ứng viên đăng ký khoa lịch sử có thể phải đối mặt với câu hỏi khá “hóc búa” như: có điều gì trong lịch sử mà các sử gia chưa tìm hiểu được không?
Các ứng viên đăng ký chuyên ngành hóa học sẽ được yêu cầu xác định số phân tử khác nhau được tạo thành từ 6 nguyên tử Cacbon và 12 nguyên tử Hidro. Trong khi đó, các ứng viên quan tâm tới thần học và tôn giáo sẽ được hỏi câu hỏi liên quan tới Chúa.
Samina Khan- Giám đốc phụ trách tuyển sinh của nhà trường khuyên các ứng viên nên đưa ra những câu trả lời mà họ thấy là hiển nhiên nhất.
Thông thường, các ứng viên thường cho rằng, trả lời đúng câu hỏi trong thời gian ngắn nhất sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, bà Khan khuyên các ứng viên nên dành thời gian suy nghĩ thấu đáo và đưa ra câu trả lời mà bản thân cho là hiển nhiên nhất để thành công trong buổi phỏng vấn.
“Giải quyết vấn đề nhanh chóng không quan trọng bằng việc chỉ ra cách bạn sử dụng thông tin và cách phân tích để đi tới kết luận.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các câu hỏi đưa ra đều có mục đích. Đó là nhằm đánh giá cách ứng viên nhìn nhận về bộ môn họ muốn theo học, cách họ phản ứng trước các thông tin mới hoặc những ý tưởng dị thường.
Cho dù bạn có nền tảng giáo dục như thế nào, buổi phỏng vấn sẽ là cơ hội để bạn thể hiện mối quan tâm và khả năng của bản thân trong môn học mình lựa chọn”, bà Khan nói.
Ông Roger Benson thuộc St Edmund Hall cho biết, câu hỏi yêu cầu ứng viên mô tả viên đá nhằm đánh giá khả năng quan sát của các em có chính xác hay không.
“Ví dụ, viên đá tạo thành từ các tinh thể. Các tinh thể này có màu sắc và hình dạng khác nhau, có thể do chứa những thành phần hóa học khác nhau”, ông Benson nói.
Cô Laura Tunbridge thuộc Đại học St Catherine giải thích tại sao một ứng viên chuyên ngành âm nhạc lại được yêu cầu cho biết những cách nghe nhạc khác nhau các em từng trải nghiệm.
“Câu hỏi này cho phép ứng viên sử dụng chính những trải nghiệm âm nhạc của bản thân để bắt đầu một cuộc thảo luận rộng và trừu tượng hơn về những cách cảm thụ âm nhạc khác nhau của con người, mối quan hệ giữa âm nhạc và công nghệ, cũng như âm nhạc có thể định hình tính cách của chúng ta như thế nào”.
Bộ câu hỏi mẫu được công bố một ngày sau hạn chót đăng ký cho đợt tuyển sinh năm tới của nhà trường.