Ngoài ra, để hạn chế sai sót, công tác in sao đề có quy trình đặc biệt, chuyên nghiệp như bộ phận đếm tiền của ngân hàng.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 13/6, PGS Trần Văn Tớp - Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, kỳ thi THPT quốc gia 2018, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức in sao đề thi giúp Sở GD&ĐT Hà Nội.
Hiện công tác bảo mật được thực hiện chu đáo dựa trên đội ngũ cán bộ kinh nghiệm, có người đã làm việc tới hàng chục năm, với quy trình giảm thiếu sai sót ít nhất có thể.
Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, hàng triệu tờ giấy khi in ra không thể tránh sai sót, vì vậy trường thường có số lượng đề dự trữ (năm ngoái 10%).
Năm 2017, mỗi thí sinh có 1 mã đề, mỗi phòng thi có 24 mã đề, việc in sao đề đã được tiến hành cẩn trọng để tránh gây nhầm lẫn.
Về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho việc in sao đề hiện đã được chuẩn bị tốt, máy móc chất lượng cao. Theo đó, mỗi máy có thể in được 2 triệu tờ giấy, độ bảo mật rất cao theo các vòng trong ngoài khác nhau.
Tại nơi in sao đề, nhân viên được cách ly, bữa ăn được cung cấp qua một cửa duy nhất là thanh tra của Sở GD&T và Công an PA83, vòng ngoài có an ninh, y tế, công an phường, quận.
Tại nơi in sao đề, nhân viên được cách ly, bữa ăn được cung cấp qua một cửa duy nhất là thanh tra của Sở GD&T và Công an PA83, vòng ngoài có an ninh, y tế, công an phường, quận (ảnh minh họa)
Theo lịch tuyển sinh, bắt đầu từ ngày mai 14/6, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ in sao đề thi gốc. Thời gian dự kiến in trong vòng khoảng 10 ngày, tức muộn nhất chiều 22/6 hoặc sáng 23/6 phải in xong.
PGS Trần Văn Tớp cho biết, để công việc thuận lợi, ban tổ chức phải lập trình số lượng người, máy móc sao cho phù hợp và không thể thiếu số lượng giấy dự trữ.
Cụ thể, sẽ sử dụng khoảng 4-5 tấn giấy (tương đương 2 ô tô tải) để in sao đề và dự trữ thêm khoảng 1,5 triệu tờ giấy nữa để đề phòng sai sót.
Cũng theo PGS Tớp, tổng nhân viên thực hiện công tác in sao đề năm nay gần 100 người cả vòng trong lẫn vòng ngoài, trong đó vòng trong (vùng lõi) được cố định, vòng ngoài có thể làm theo ca kíp.
Để đề phòng những sai sót trong khâu in sao đề thi, PGS Tớp cho hay, sai sót đề thi thường liên quan đến công tác làm đề. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp vì bộ phận đảm nhiệm việc làm đề rất chuyên nghiệp.
Về công tác in sao đề có thể sai sót, với 2 triệu bản in sao đề thi theo dự kiến, sẽ có thể xảy ra các tình trạng sai sót như kẹp díp, hay mỗi tờ có một mặt trống hoặc in cả hai mặt...
“Để hạn chế sai sót này, công tác in sao đề có quy trình đặc biệt, đội ngũ phát hiện lỗi cũng chuyên nghiệp như bộ phận đếm tiền của ngân hàng.
Khi phát hiện tời giấy bị trắng một mặt mà ngửa lên phía trên thì rất dễ phát hiện nhưng nếu mặt dưới bị trống thì khả năng phát hiện thấp.
Do vậy, năm ngoái chúng tôi có dự trữ khoảng 10% đề nhằm đề phòng khi có sai sót. Trên thực tế, mùa thi năm ngoái, chỉ có 4,5 bài sai sót trên tổng số 500.000 bài thi nên không phải dùng nhiều tới đề dự trữ”, PGS Trần Văn Tớp nói.
Cũng theo PGT Tớp, Sở GD&ĐT Hà Nội ngoài việc yêu cầu dành số lượng đề dự trữ còn điều động phương án xử lý nếu công tác in sai đề có sai sót.
Trường hợp đề đã vào phòng thi có sai sót, trưởng điểm thi sẽ xử lý tình theo tùy tình huống cụ thể.
Ví dụ đề thiếu mặt hay thiếu tờ thì phải bóc đề dự trữ để thay thế. Mỗi một môn thi có lượng đề dự trữ khoảng 2 túi đề. Tổng số đề dự trữ của mỗi điểm thi tương đương với 10%.
Theo dantri.com.vn